KẾ HOẠCH
Tổ chức Chương trình đào tạo:
“THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI : KỶ NGUYÊN BỨT PHÁ”
do Amazon khởi xướng và được bảo trợ bởi Bộ Công Thương về mặt nội dung
- Căn cứ Biên bản ghi nhớ số 01/MOU-IDEA&VNGS ngày 8 tháng 6 năm 2022 giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling.
- Căn cứ Công văn số 534/TMĐT-TTPT ngày 3 tháng 6 năm 2022 của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số.
Trung tâm phát triển Thương mại điện tử xây dựng Kế hoạch chi tiết chương trình đào tạo: “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” cùng sự bảo trợ về mặt nội dung của Bộ Công Thương.
- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Mục đích:
Mục tiêu của Chương trình đào tạo “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” là:
– Đào tạo nhân lực về TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp của Việt Nam trong 5 năm (từ 2022 đến 2026).
– Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp, người kinh doanh, nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết một cách bài bản, có hệ thống với những thông tin đã được đảm bảo, liên tục cập nhật bởi Amazon Global Selling và Bộ Công thương để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
– Bên cạnh đó, đội ngũ các chuyên gia, khách mời từ phía Ban tổ chức sẽ thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp về kỹ năng bán hàng online xuyên biên giới nói chung, trên nền tảng Amazon nói riêng, thông qua các hoạt động như:
+ Tổ chức sàng lọc phân loại Học viên sau mỗi khoá học theo các tiêu chí phù hợp, từ đó xây dựng các buổi tập huấn chuyên sâu với nội dung phù hợp cho từng nhóm Doanh nghiệp/Học viên.
+ Mời các nhà cung cấp dịch vụ đã được chứng thực bởi Amazon Global Selling tham dự sự kiện để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới tới các Doanh nghiệp/Học viên.
+ Mời Doanh nghiệp/Học viên tham gia Chương trình đào tạo tổ chức các gian hàng trưng bày nếu điều kiện cho phép, và hỗ trợ kết nối các Doanh nghiệp/Học viên này tới các đơn vị bán hàng có nhiều kinh nghiệm thực tế đang kinh doanh trên nền tảng Amazon, từ đó tạo điều kiện để các Nhà bán hàng tiếp cận nguồn sản phẩm, tiếp cận nhu cầu, nắm bắt hiện trạng của Doanh nghiệp/Học viên, cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác sản xuất, hoàn thiện quy trình xuất khẩu giữa các Doanh nghiệp tham gia hội nghị.
+ Thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất các chính sách, hoạt động hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế từ phía Amazon Global Selling, từ phía Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, và từ phía Đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện.
- Yêu cầu:
– Tổ chức Chương trình đào tạo phải đảm bảo tính quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu và mang lại lợi ích thiết thực cho các Doanh nghiệp; có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện.
– Phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công thương tỉnh/thành phố, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các Đơn vị phối hợp và Amazon Global Selling tổ chức thực hiện.